Vào cuối ngày, phần lớn mọi người đều có xu hướng trầm xuống thì người mắc hội chứng Sundowner lại kích động khác thường.
Điều này có thể khiến người thân, người chăm sóc họ sợ hãi, thậm chí có những ứng xử không phù hợp. Hội chứng Sundowner hay còn gọi là hội chứng hoàng hôn thường gắn liền với bệnh Alzheimer, ảnh hưởng tới trí nhớ, cá tính và khả năng suy luận của người bệnh.
Để có thể chăm sóc tốt cho người mắc hội chứng Sundowner, cần hiểu biết về căn bệnh này.
Nguyên nhân của hội chứng Sundowner
Nguyên nhân gây ra hội chứng Sundowner có thể rất phức tạp. Người ta nhận thấy, căn bệnh này thường biểu hiện rõ rệt vào lúc hoàng hôn, khi mà mọi hoạt động về thể chất và tinh thần của con người có chiều hướng suy giảm, mệt mỏi.
Hội chứng này thường gặp ở người cao tuổi. Sa sút trí tuệ có thể là một nguyên nhân, bởi căn bệnh này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn, khó xử lý và lập luận. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể, khiến người bệnh khó phân biệt ngày và đêm, đảo lộn giấc ngủ.
Các yếu tố nguy cơ khác cũng có thể được kể đến như: tình trạng ốm đau phải nhập viện hay người cao tuổi bị buộc thay đổi hoàn cảnh sống quen thuộc, phải chuyển tới một nơi xa lạ; ảnh hưởng cuối ngày của các thuốc trị liệu cũng có thể được tính đến; Đôi khi tâm trạng sa sút khi hoàng hôn xuống (như nhớ về tuổi trẻ, mong chờ người thân…) cũng khiến bệnh phát tác. Sự mất cân bằng nội tiết tố cũng có thể đóng một vai trò trong căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, khoảng 20% người bệnh Alzheimer có hội chứng Sundowner, người có tiền sử uống rượu hoặc nghiện rượu mắc hội chứng này nặng hơn những người khác.
Dấu hiệu nhận biết người thân mắc hội chứng Sundowner
Các triệu chứng của hội chứng Sundowner thường xảy ra lúc chiều tối, khi nhập nhoạng đêm về.
Người bệnh có biểu hiện nhầm lẫn (có thể nhầm lẫn người này với người khác, nhầm lẫn sự việc, đồ vật), nói năng lộn xộn, có thái độ phách lối thái quá, có những thay đổi đột ngột trong hành vi khó giải thích, dễ bị kích động, có khi khó nói năng rõ ràng, suy nghĩ lộn xộn, thậm chí la hét hoặc có hành động hung hăng, bị rối loạn giấc ngủ.
Những người có hội chứng Sundowner thường được chẩn đoán với chứng mất trí nhớ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, không phải tất cả người có bệnh mất trí nhớ hoặc Alzheimer sẽ có hội chứng sundowner.
Các nguy cơ của bệnh
Hội chứng Sundowner có thể làm tăng khả năng chấn thương ở người bệnh. Nếu là người đang có bệnh mạn tính hoặc cấp tính, nguy cơ không tuân thủ điều trị là có thể xảy ra.
Đôi khi người bệnh có thể trở nên bạo lực hoặc rất tức giận, có khả năng dẫn đến thương tích cho bản thân hoặc người khác.
Nghiên cứu cho thấy hội chứng sundowner có thể làm tăng tốc độ suy giảm chức năng tâm thần ở người mắc bệnh Alzheimer.
Điều trị ra sao?
Khi cần điều trị, bác sĩ có thể kê các thuốc giảm triệu chứng lo âu, thuốc hỗ trợ giấc ngủ, thuốc chống loạn thần để giảm ảo giác, kích động.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy, thuốc có thể không đảm bảo các triệu chứng sẽ dừng lại, hơn nữa còn có các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, người chăm sóc cần thảo luận kỹ với bác sĩ. Điều quan trọng với người mắc hội chứng Sundowner vẫn là sự chăm sóc của người thân.
Đôi khi khó khăn để phân biệt giữa hội chứng Sundowner với các căn bệnh khác. Ở người cao tuổi, một tình trạng nhiễm khuẩn tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như hội chứng Sundowner.
Việc thay đổi thuốc hoặc thêm thuốc mới trong điều trị các bệnh lý có sẵn cũng có thể có hiệu quả tương tự. Vì thế, nếu một người bắt đầu cư xử một cách bất thường trong buổi tối, như những biểu hiện kể trên, người chăm sóc nên tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ.
Một số cách để làm giảm triệu chứng của hội chứng hoàng hôn
Để người bệnh tham gia vào các hoạt động có thể giúp thiết lập một thói quen với mô hình giấc ngủ tốt. Duy trì các giấc ngủ ban đêm và ban trưa. Tránh gián đoạn giấc ngủ.
Hội chứng này phần lớn được kích hoạt bởi những thay đổi trong ánh sáng, vì vậy, cần đảm bảo môi trường ánh sáng khi hoàng hôn xuống. Vào ban đêm, cần giữ một ánh sáng cường độ thấp để người bệnh xác định dễ dàng nếu thức dậy trong đêm.
Ăn uống đúng giờ: Ăn thường xuyên vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày, tránh các loại thức ăn, đồ uống gây khó ngủ như cà phê, thuốc lá, rượu, một bữa ăn quá no, quá thịnh soạn, nhiều đồ ngọt.
Kiểm tra thị lực và đảm bảo người bệnh có thể nhìn được rõ ràng, tránh các khả năng bị ảo giác.
Đảm bảo người bệnh thường xuyên hoạt động: có thể làm các việc nhẹ nhàng như gấp quần áo, giặt đồ, xem truyền hình, nghe nhạc, các hoạt động đi chơi, thăm bạn bè, người thân, các sinh hoạt cá nhân hay các việc lặt vặt khác có thể giúp tinh thần sảng khoái, hỗ trợ giấc ngủ.
Không nên có các hoạt động bất thường làm rối loạn hay gián đoạn những thói quen sinh hoạt hoặc phá vỡ cảm giác bình yên của người bệnh như hoạt động âm nhạc lớn, trẻ nhỏ nô đùa quá mức…
Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn hoặc chấn thương cho người cao tuổi và người mắc hội chứng Sundowner.
Đối với người đang có biểu hiện bệnh, người chăm sóc cần bình tĩnh tiếp cận, tránh tranh cãi, nhẹ nhàng nhắc nhở, trấn an người bệnh rằng mọi thứ đều ổn, không nên cấm cản, nhưng cho phép người bệnh làm điều họ muốn với mức độ giảm dần.
Cần trợ giúp của thầy thuốc khi có các triệu chứng của bệnh.
>>> Xem thêm: Tác động nguy hiểm của căng thẳng
Tin tài trợ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét