Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, Bệnh viện Nhân dân 115 đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị L. 22 tuổi, mắt trái mất thị lực hoàn toàn, đột quỵ do tiêm chất làm đầy (filler) nâng cao mũi.
Sau sự cố mà bệnh nhân L. gặp phải các bác sĩ khuyến cáo, tại một số cơ sở thẩm mỹ viện tư nhân đang quảng cáo rầm rộ về việc phương pháp làm đẹp bằng chất làm đầy. Thậm chí, có cơ sở còn công khai tiếp thị: “Chỉ cần bỏ từ 3 – 5 triệu đồng, bạn có thể làm đẹp bằng chất làm đầy nhanh chóng, tiện lợi, an toàn”.
Các cơ sở này cam kết, chất làm đầy đảm bảo an toàn chất lượng có thể làm đẹp từng chi tiết (mắt, mũi, môi). Không những thế, đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về thẩm mỹ sẽ trực tiếp làm đẹp nên không bị biến chứng…
Trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Huy Thắng- Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não- Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, đã có nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Có trường hợp, bệnh nhân tiêm chất làm đầy rồi gây tình trạng vón cục, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật gắp ra. Tuy nhiên, với nhiều người gặp biến chứng nguy hiểm hơn. Thậm chí có người bị mù mắt, cắt bỏ môi.
|
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ sau khi tiêm chất làm đầy. |
“Thông thường với những bệnh nhân nếu bơm chất làm đầy tại các thẩm mỹ viện hay cơ sở y tế thì bắt buộc bác sĩ phải giải thích cho bệnh nhân biết trước những biến cố đó và phải được bệnh nhân đồng ý, ký cam kết mới tiến hành làm đẹp. Tuy nhiên, hiện nay việc chích chất làm đầy đang được thực hiện tràn làn và dường như hàng trôi nổi trên thị trường là không thể tránh khỏi”, bác sĩ Thắng cho hay.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo: “Khi tiêm chất làm đầy vào trúng mạch máu, chất này có thể gây thuyên tắc động mạch máu não bên trái, gây yếu nửa người bên phải. Ngoài ra còn làm thuyên tắc động mạch mắt, gây mù mắt trái. Nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ trở nặng hơn diễn biến phức tạp hơn”.
|
TS.BS Nguyễn Huy Thắng- Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não- bệnh viện Nhân dân 115. |
Điều đáng nói, chất làm đầy được sử dụng khá phổ biến trong làm đẹp thẩm mỹ, tuy nhiên chất này được chống chỉ định ở những “vùng nguy hiểm”. TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh: “Chất làm đầy không được phép sử dụng ở các khu vực quanh mắt. Bởi, khi các chất làm đầy được tiêm vào khu vực quanh mắt, nó có thể vô tình đi vào các mạch máu nhỏ trên mặt, tìm đường vào động mạch mắt và chặn đường đi của máu.
Mặc dù những biến chứng này là hiếm gặp nhưng khá nhiều trường hợp đã từng biến chứng mù mắt, đột quỵ xảy ra. Dù chưa xác nhận được trường hợp nào tử vong nhưng hệ quả của nó cũng rất nghiêm trọng”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, kỹ thuật filler để làm đẹp tạo dáng và làm đầy nhất là làm đẹp khuôn mặt có nhiều loại. Tuy nhiên, Kỹ thuật tiêm phải được thực hiện nghiêm ngặt, chỉ định đúng cho từng loại sản phẩm của chất làm đầy. Chất làm đầy giúp trể hóa thì không được sử dụng làm đầy má’ sản phẩm làm đầy má tuyệt đối không được tiêm được vào môi…
Theo ThS.BS.Nguyễn Văn Út- chuyên khoa Da liễu, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phái đep, tuy nhiên để phòng ngừa những rủi ro, phái đẹp cần lưu ý: “Hiện chất làm đầy dạng acid hyaluronic đang được giới chuyên môn đánh giá cao và nhiều người ưa chuộng. Làm đẹp bằng chất làm đầy dạng này có ưu điểm là không phẫu thuật, không đau, hiệu quả, không để lại sẹo, không tốn nhiều thời gian…
Sau khi đến làm đẹp tại những cơ sở y tế được cho phép, có uy tín, bệnh nhân sẽ được bác sĩ khám và tư vấn phương pháp thích hợp, xác định được vùng nào tiêm chất làm đầy phù hợp, sau đó sát trùng và gây tê vùng điều trị. Cuối cùng là quá trình bơm chất làm đầy vào vùng đã chọn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà. Nếu thành công, có thể mang lại cho bệnh nhân sự tươi trẻ, làn da đầy đặn, đẹp hơn so với ban đầu.
Tuy nhiên, thị trường hiện nay tồn tại nhiều chất làm đầy không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi nhiều. Để được làm đẹp bằng chất làm đầy, cần được bác sĩ tư vấn và tuân theo những điều kiện đi kèm… Thời gian thực hiện thông qua phương pháp tiêm trực tiếp bằng kim tiêm chuyên biệt, khoảng 15 -20 phút.
Để không gặp phải những biến chứng nguy hiểm, theo tôi, chị em không nên làm đẹp với những lời quảng cáo giá rẻ, những cơ sở không phép, bơm dạo”.
Khi PV đặt câu hỏi:"Người dùng chất làm đầy trôi nổi để “tân trang dung nhan” sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nào?", ThS.BS.Nguyễn Văn Út cảnh báo: “Hiện một số cơ sở thẩm mỹ tại Việt Nam sơ sài, vật dụng hành nghề thô sơ và không chuyên nghiệp nhưng vẫn được cho là cơ sở có giấy phép, có bác sĩ giàu kinh nghiệm. Thậm chí, một số nơi còn tổ chức bơm chất làm đầy kiểu bơm dạo…
Chính vì thích làm đẹp nên nhiều chị em cho rằng sẽ an tâm khi làm đẹp bằng chất làm đầy. Khi tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, chị em có thể gặp nhiều biến chứng khác nhau. Một trong những biến chứng thường gặp là dị ứng da, viêm da. Dễ biến dạng gương mặt, ngực nổi từng đám u, méo mó… Khi vào cơ thể, chất làm đầy rất khó lấy ra, chỉ khi gặp trường hợp chất làm đầy vón cục, gây biến chứng thì bác sĩ tiến hành phẫu thuật bóc tách khối chất làm đầy vón cục đó ra.
Tôi từng tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện vì những biến chứng do bơm chất làm đầy tại một số cơ sở thẩm mỹ, spa với những biến chứng như: Viêm da, dị ứng, nặng hơn là xuất hiện chảy dịch, chảy mủ ở vùng bơm chất làm đầy như mũi, ngực…”
Nhóm PV